NÂNG CAO PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Câu nói đó của Người không chỉ đề cao vai trò của việc dạy chữ mà còn mà coi trọng dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học bao nhiêu thì càng đòi hỏi cao năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo bấy nhiêu.
Niềm vui hân hoan của cô giáo khi được đón các em học sinh ngày hội Khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Hoàng Lê, Thành phố Hưng Yên
Nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp chính là điều kiện tiên quyết, là phẩm chất cơ bản, là nền tảng góp phần nâng cao trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sứ mệnh “Trồng người”, xứng đáng với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh. Không chỉ vậy, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo còn giữ vai trò quyết định đến hiệu quả và chất lượng giáo dục học sinh.
Một giờ học theo phương pháp đổi mới của cô và trò Trường Tiểu học Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ
Với mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đòi hỏi ở mỗi cán bộ, nhà giáo sự nỗ lực to lớn. Nỗ lực vì trách nhiệm, vì niềm tự hào và tự hào với trọng trách được Đảng, Nhà nước đặt niềm tin: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Điều đó thể hiện vai trò và sứ mệnh cao cả của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay. Phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, vai trò của người thầy lại càng không thể thiếu trong quá trình giáo dục, đào tạo để hình thành các thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, có sức khỏe, có lý tưởng cách mạng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, có tinh thần cống hiến, lao động vì sự công bằng, văn minh, giàu đẹp của xã hội.
Ngày nay, trước xu thế phát triển của thời đại đang đặt ra những yêu cầu đổi mới giáo dục một cách “căn bản, toàn diện”, người thầy vừa phải giữ vững phẩm chất, nhân cách của người thầy truyền thống, vừa phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, bồi dưỡng kiến thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng những phương pháp, kĩ thuật tiên tiến hiện đại vào bài giảng trên nguyên tắc học đi đôi với hành, lấy học sinh là trung tâm. Người thầy còn phải là người thắp lên ngọn lửa, truyền cảm hứng say mê học tập, nghiên cứu cho học sinh. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Muốn làm được điều đó bản thân mỗi thầy, cô giáo phải tự rèn luyện mình để xứng đáng với vị trí, vai trò của người thầy. Thầy cô cũng phải luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, phải có lối sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, luôn giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng, xã hội, được mọi người yêu quý và kính trọng.
Đường đến trường của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An- Ảnh trích xuất từ bài báo 44 thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 giành giải ấn tượng VTV, Báo VietNam Net
Chúng ta đang sống và làm việc trong thời đại công nghệ tiên tiến, trong thế giới phẳng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có hàng trăm công cụ, phần mềm hỗ trợ quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nguồn tri thức vô tận trên không gian mạng, các thầy, cô giáo và các em học sinh dễ dàng có được những kiến thức phong phú, đa dạng hữu ích cho việc dạy và học. Điều này mở ra những cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra những yêu cầu rất mới, khó khăn hơn đối với đội ngũ nhà giáo. Nếu đội ngũ nhà giáo hạn chế về ngoại ngữ và công nghệ sẽ hạn chế việc khai thác, ứng dụng những thành tựu, kiến thức mới của khoa học công nghệ vào giảng dạy. Vì vậy, để có thể cập nhật những kiến thức mới, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, đội ngũ nhà giáo cũng cần phải giỏi về ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Ngoài ra phẩm chất yêu thương, lòng trắc ẩn cũng rất cần thiết với đội ngũ thầy cô trong nghề dạy học. Thầy, cô giáo phải thương yêu học trò. Đối với bậc mầm non, cô giáo dạy trẻ phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình; đối với bậc phổ thông thì tình thương của thầy, cô được xây dựng trên cơ sở dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Tình thương yêu học trò của nhà giáo phải thể hiện qua việc có trách nhiệm đối với các em học sinh. Người thầy không chỉ là người dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy đạo lý làm người. Do đó, đòi hỏi thầy, cô vừa phải có tài, vừa phải có tâm.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề giáo, trọng trách cao cả của thầy, cô trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo. Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức vững vàng hay ở năng lực sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhà giáo phải có cả “đức” lẫn “tài”, cũng giống như phải đi vững trên “hai chân”: chuyên môn và đạo đức; mất đi một trong hai chân đó thì giáo dục không thể phát triển được. Chính vì vậy, cùng với chuyên môn giỏi, mỗi thầy cô cần phải thường xuyên nâng cao phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhà giáo phải có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với nghề, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục để góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
TRẦN ĐẮC VIỆN
Chủ tịch Công đoàn ngành GDĐT Hưng Yên