Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên

 

Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, thực hiện Lời dạy của Hồ Chủ tịch “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia công cuộc xây dựng đất nước và trước hết phải biết học, biết viết chữ Quốc ngữ”.

   Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, thực hiện Lời dạy của Hồ Chủ tịch “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia công cuộc xây dựng đất nước và trước hết phải biết học, biết viết chữ Quốc ngữ”. Được sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, với ngành giáo dục làm nòng cốt, thực hiện chiến dịch lịch sử diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, chiến dịch được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn dân. Tổng kết 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hưng Yên, phong trào bình dân học vụ đã xóa mù chữ cho trên 10 vạn người, trên 100 chiến sỹ bình dân học vụ đã hy sinh. Tuy kháng chiến có nhiều gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, song các chiến sỹ bình dân học vụ luôn kiên cường bám đất, bám dân truyền dạy cái chữ và tuyên truyền tình hình chiến sự, nâng cao lòng yêu nước, họ đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân.

   Hòa bình lặp lại (năm 1954), cùng với việc khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo khôi phục, phát triển sự nghiệp giáo dục. Hưng Yên được đánh giá là tỉnh có phong trào giáo dục phát triển mạnh, các ngành học, cấp học được triển khai đến khắp các huyện, thị xã nổi bật là phong trào Bổ túc văn hóa, thi đua hai tốt “đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Với những thành tích đạt được, năm 1960, ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên được giữ Cờ luân lưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 28-4-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tỉnh Hưng Yên về thành tích Bổ túc văn hóa.

   Thời kỳ hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968-1996) được ghi nhận là thời kỳ giáo dục Hải Hưng vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, đạt được nhiều thành tích. Từ năm 1970 đến năm 1996, toàn ngành có 38 trường học, cá nhân được Nhà nước tặng Huân chương Lao động (12 hạng Nhất, 26 hạng Nhất); 40 đơn vị, cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen. Qua 3 đợt Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, toàn ngành có 32 thầy cô giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Nhiều trường học là điểm sáng toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao. Nhiều năm công đoàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh liên tục được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Năm 1986, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Hưng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1995). Năm 1991, Hải Hưng là một trong năm tỉnh của cả nước dẫn đầu đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

  Sau gần 10 năm tái lập tỉnh (1997 - 2005), sự nghiệp giáo dục của Hưng Yên đã có những bước phát triển, tiến bộ rõ rệt. Hệ thống giáo dục và đào tạo tiếp tục được hoàn thiện, quy hoạch mạng lưới theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường lớp, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng tăng hằng năm, nhiều học sinh giỏi, giáo viên giỏi; môi trường giáo dục lành mạnh; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được nâng cao; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất trường học và trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng… Với kết quả đạt được, ngành giáo dục tỉnh nhà đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2000); 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm 2000, năm 2004); Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (năm 2000), đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2001) và Cờ đơn vị dẫn đầu (năm 2004)… Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành tiếp tục phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của chặng đường tiếp theo.

  Sự nghiệp giáo dục của Hưng Yên (2006 - 2010) tiếp tục phát triển về mạng lưới, quy mô trường lớp, đa dạng về các loại hình đào tạo; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được tăng cường; chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến vượt bậc so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, ngành giáo dục của tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn chưa đạt mục tiêu đề ra; năng lực, trách nhiệm của một số giáo viên, cán bộ quản lý còn hạn chế; tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn còn tồn tại; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu và lạc hậu; tỷ lệ trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia thấp so với các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng...

  Với những kết quả đạt được giai đoạn 2011 - 2015, ngành giáo dục tỉnh nhà đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm học 2012-2013, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và 02 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen (năm học 2012-2013, 2014-2015). Năm 2013, Hưng Yên là tỉnh thứ 6 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, chuyển đổi 159 trường mầm non sang công lập. Năm học 2013-2014, đã có nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng với thành tích cao: Trường Trung học phổ thông Mỹ Hào được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 03 tập thể trường Trung học phổ thông Văn Giang, Trung học phổ thông Tiên Lữ và Trung học phổ thông Trưng Vương; Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Tiên Lữ); Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Phòng Giáo dục và Đào tạo Mỹ Hào và tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 17 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 3 tập thể và tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 9 cá nhân… Năm 2015, ngành giáo dục Hưng Yên được     Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập.

    Gần 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2015), ngành giáo dục đào tạo Hưng Yên luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Hưng Yên đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục đúng hướng và hiệu quả; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút, phát huy các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp của các địa phương và nhân dân trong tỉnh đối với sự nghiệp phát triển giáo dục… Sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành giáo dục cùng với truyền thống chăm ngoan, hiếu học của học sinh Hưng Yên, đoàn kết để từng bước vượt qua khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

  Với những kết quả và thành tựu đạt được của ngành giáo dục Hưng Yên trong 70 năm qua có thể rút ra một số kinh nghiệm:

   Một là, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm đổi mới của Đảng về giáo dục, trên cơ sở đó vận dụng phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế địa phương và ngành giáo dục.

   Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo với quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

   Ba là, trên cơ sở quy hoạch chung, mỗi thời kỳ cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về phát triển giáo dục, đề ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo những bước phát triển vững chắc. Trong từng năm học, trên cơ sở mục tiêu, cần tăng cường các giải pháp, đôn đốc chỉ đạo kịp thời thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.

  Bốn là, phát huy cao nhất mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, của ngành, nhất là khơi dậy sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đồng thời luôn chăm lo các điều kiện bảo đảm đội ngũ nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng.

  Năm là, tăng cường công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra và xây dựng nền nếp, kỷ cương giáo dục trong toàn ngành.

   Những thành tựu, những kinh nghiệm tổng quát, xuyên suốt một chặng đường lịch sử 70 năm (1945-2015) đã đúc kết thành những truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục Hưng Yên, xứng đáng với vùng đất văn hiến, vùng đất khoa bảng, vùng đất anh hùng và cách mạng.

 

 

Tác giả: Lịch sử ngành GD&ĐT Hưng Yên