CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG VÀ GIAO LƯU CA NHẠC CHỦ ĐỀ “BIỂN ĐẢO THÂN YÊU”
Giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh luôn được thầy và trò trường THPT Trưng Vương đặc biệt quan tâm, nhằm giúp các em học sinh phát triển toàn diện về các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ.
Hướng tới kỉ niệm 79 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), sáng ngày 04/12/2023, trường THPT Trưng Vương đã tổ chức thành công chương trình giáo dục kĩ năng sống và giao lưu ca nhạc với chủ đề “Biển đảo thân yêu”.
Khách mời trong chương trình là các thành viên của Câu lạc bộ nghệ sĩ thương binh, cựu chiến binh thủ đô Hà Nội do nghệ sĩ, thầy giáo thương binh Vương Đặng Hòa làm trưởng Đoàn. Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của nhà thơ, nghệ sĩ, chiến sĩ Trần Đăng Khoa.
Trong phần giao lưu kĩ năng sống, giá trị sống, thầy và trò trường THPT Trưng Vương đã được giao lưu cùng với nhà thơ, nghệ sĩ, chiến sĩ Trần Đăng Khoa – người đã từng 7 năm gắn bó với Trường Sa thân yêu của tổ quốc. Qua phần chia sẻ đầy nhiệt thành như sống dậy cả một thời đã qua của nhà thơ, các em học sinh biết thêm được rằng Trần Đăng Khoa không chỉ là nhà thơ, ông đồng thời cũng là người lính biển, đặt chân đến Trường Sa từ rất sớm và có những kiệt tác viết về Trường Sa hiếm ai sánh bằng. Câu chuyện của ông về Đảo chìm đặc biệt thu hút sự chú ý của các em học sinh. Nhà thơ chia sẻ: “Tôi đã định biến những con người mà tôi yêu mến thành nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết nhưng lại thấy không nên vì bản thân họ đã rất đẹp rồi, rất thật rồi, hà cớ chi ta phải hư cấu thêm cho cồng kềnh, rắc rối. Tốt nhất là cứ để mộc như vậy. Cuộc sống vốn chân thật và giản dị… Thế nên, “Đảo Chìm” không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, nó là một hồi ký của chính tác giả - một nhà thơ, nhà văn và một người lính. Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật về những con người thật - những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.
Nhà thơ, nghệ sĩ, chiến sĩ Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ rất nhiều những bài thơ được ông sáng tác khi sống ở Trường Sa. Trần Đăng Khoa có nhiều thơ về Trường Sa, trong đó có nhiều bài rất hay như: Thơ tình người lính biển, Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cây bão táp đảo Nam Yết, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền chài, Viết từ hải đảo, Hát về một hòn đảo…. Những câu thơ về người lính Trường Sa của ông đã thành những bản tình ca được nhiều người yêu thích. Những người lính trong thơ ông luôn sẵn sàng đón nhận những bão táp, khó khăn thậm chí dự đoán cả những điều nguy hiểm nhất nhưng vẫn chắc tay súng, chắc niềm tin bảo vệ chủ quyền đất nước:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên.
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng.
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng...
Hay:
Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa
Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Đá củ đậu bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...
Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau….
Những câu thơ ấy được chính nhà thơ đọc lên, dù thời gian ra đời đã lâu, nhưng bây giờ, khi nghe nhà thơ đọc lại, thầy và trò trường THPT Trưng Vương vẫn dưng dưng xúc động không chỉ bởi những vần thơ đầy ý nghĩa đó đã gợi lại một thời gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc mà còn bởi ngay lúc này đây, ngoài khơi xa, những người lính Hải quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư…vẫn đang ngày đêm bám trụ, kiên cường giữ vững vùng trời biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta.
Trong phần giao lưu ca nhạc, thầy và trò trường THPT Trưng Vương còn được thưởng thức rất nhiều các tiết mục văn nghệ đặc sắc đến từ các nghệ sĩ của Câu lạc bộ nghệ sĩ thương binh, cựu chiến binh thủ đô Hà Nội như: “Chút thư tình người lính biển”, “Bâng khuâng Trường Sa”, “Vết chân tròn trên cát”, “ Gần lắm Trường Sa”, …
Cùng với các ca khúc đặc sắc hát về “Biển đảo thân yêu”, phần biểu diễn xiếc của các nghệ sĩ Việt Cường và Tố Uyên cũng gây ấn tượng mạnh với các em học sinh. Nghệ sĩ xiếc Việt Cường của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đem tới chương trình tiết mục “Thăng bằng trên thang” – đây là tiết mục xiếc đã đạt HCB tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2014 và Liên hoan Xiếc toàn quốc 2018. Nghệ sĩ xiếc Tố Uyên cũng khiến khán giả trầm trồ khi mang tới chương trình tiết mục “Lắc vòng” với những vòng xoay uyển chuyển và điêu luyện.
Chương trình kết thúc ấn tượng với ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” do các nghệ sĩ của đoàn nghệ sĩ thương binh, cựu chiến binh thủ đô Hà Nội cùng với các thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Trưng Vương thể hiện.
Chương trình giáo dục kĩ năng sống và giao lưu ca nhạc với chủ đề “Biển đảo thân yêu” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các vị khách mời cũng như thầy và trò trường THPT Trưng Vương. Qua chương trình, thầy cô và các em học sinh thêm yêu quý hơn, trân trọng hơn những cống hiến, hi sinh thầm lặng của những người lính biển và thât tự hào biết bao quê hương đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, biển đảo Việt Nam.
Ban truyền thông Trường THPT Trưng Vương!